Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh

1. Khâu chuẩn bị
Giống: chỉ nên chọn một loại giống duy nhất là bưởi da xanh, không trồng xen với các loại cây có múi khác để tránh thụ phấn chéo.
Nên trồng cây bưởi chiết, vì rễ ăn ngang tránh gặp tầng sinh phèn; mau ra trái, bảo đảm chất lượng giống hệt cây mẹ. Cây bưởi chiết có tuổi thọ khá cao.
Đất: cải tạo địa hình tương đối bằng phẳng, hơi cao ở giữa để thoát nước nhanh.
Cần phân tích chất đất để có chế độ bón phân phù hợp, cân đối.
Nơi nào đất trũng, thấp, thường bị ngập úng vào mùa mưa thì đắp mô cao lên 20 – 30 cm so với mực nước mưa và triều cường.
Nơi nào đất cao thì đào hố. Hố trồng đào tròn hoặc vuông 1,2m x 1,2m, sâu 30 cm. Đào sâu quá gặp tầng sinh phèn, cây bưởi khó sống.
Mỗi hố trồng rải 1 – 2 kg vôi bột, 2 bao phân chuồng đã hoai trộn thêm tro trấu, xơ dừa, rơm rạ mục và phủ lên một lớp đất mỏng trước khi trồng.

2. Khâu trồng và chăm sóc:
Số lượng: Mỗi ha trồng khoảng 500 – 600 cây. Cây cách cây 4m; hàng cách hàng 4m. Đặt cây bưởi giống vào giữa hố, lấp đất phủ kín gốc, hơi lõm ở giữa để sau này bón thêm phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, phủ quanh gốc các loại phân xanh, rơm rạ cho mát gốc.
Thời điểm trồng: tốt nhất là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Qua mùa mưa cây bưởi phát triển khá tốt nhờ nguồn nước trời. Lặt bỏ tất cả trái non trong năm đầu, năm thứ hai có thể chừa mỗi cây 1 trái, năm thứ ba giữ trái vừa phải; số trái giữ lại, tăng dần vào những năm sau.
Tưới nước: Thời gian đầu tưới nước mỗi ngày 1 lần để cây bưởi không mất sức; qua mùa mưa cây bưởi đã lên xanh; mùa khô tiếp theo 3 ngày tưới một lần. Chú ý sử dụng nguồn nước tốt không bị ô nhiễm.
Bón phânTrên cơ sở phân tích chất đất mà có chế độ bón phân thích hợp. Sử dụng phân hữu cơ kết hợp vô cơ, bón gốc kết hợp bón lá theo từng giai đoạn phát triển của cây bưởi.
Phân hữu cơ thông dụng là phân bò, phân heo, các loại phân xanh; ngoài ra có thể bổ sung phân cá, phân trùn, phân dơi với liều lượng ít hơn. Mỗi năm bón ít nhất 2 lần vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch.
Phân vô cơ thường sử dụng là DAP rải xa gốc hoặc NPK phun lên lá.
Đạm (N) giúp cây bưởi phát triển nhanh, đâm chồi, thiếu đạm cây bưởi còi cọc, ốm yếu, đạm phù hợp cây bưởi trong giai đoạn tăng trưởng.
Lân (P) kích thích nẩy chồi, đẻ nhánh, thúc đẩy bưởi ra hoa, đậu trái; lân còn giúp cây bưởi chống bị nhiễm bệnh.
Kali (K) giúp cây bưởi cứng cáp, trái không bị rụng non.
Phòng trừ sâu bệnh: Để phòng trừ các loại sâu, côn trùng chích hút, bệnh,….nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chú ý sâu vẽ bùa làm suy cây, hư ngọn, nên phòng trừ bằng cách xịt confidor và chất bám dính (có thể kết hợp NPK 16.16.8).
Kích thích ra hoa, đậu trái: Bưởi da xanh ra hoa, trái quanh năm; do đó để có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường vào thời điểm giá cả có lợi cho người sản xuất, nên kích thích ra hoa, đậu trái từ 7 đến 8 tháng trước ngày thu hoạch, nhưng nếu lưu trái nhiều quá sẽ làm suy cây.
Thu hoạch: Nên thu hoạch khi bưởi vừa chín tới, da căng láng, cắt luôn cả cuốn trái. Không hái trái khi chưa chín tới hoặc hái quá trễ, chất lượng không tốt.

3. Phân bón
– Phân hữu cơ: Xu hướng canh tác tiên tiến hiện nay là sử dụng càng nhiều phân hữu cơ càng tốt khi sản xuất trái cây theo hướng sạch. Liều lượng 15-30 kg/năm/cây trưởng thành rất tốt cho bưởi, giúp tăng tuổi thọ rất rõ cho cây. Cách ủ phân hữu cơ đơn giản: Không nên bón xác bã hữu cơ tươi vào đất mà nên ủ cho hoai mục trước khi bón. Các nguyên liệu hữu cơ được gom lại, có thể trộn với vôi để xử lý một số mầm bệnh trong đống ủ. Để gia tăng tiến trình nầy, trên thị trường đã có các loại phân phân hủy, có thể trộn thêm Lân và phân Đạm làm thức ăn cho vi sinh vật. Có thể ủ với Nấm đối kháng sau 6-8 tuần. Sử dụng phân này bón cho bưởi rất tốt.
Phân vô cơ: Phân bón Trichoderma để hạn chế nấm bệnh, nhất là các bệnh do tác nhân Phythophtora sp. gây ra. Cách ủ như sau: Gom hữu cơ thành đống, đáy 2m, cao 1,2-1,5m, tưới nước vừa đủ ẩm (nắm chặt vừa rịn nước), đạp chân để đống hữu cơ được nén dẽ xuống. Tưới nấm TRICÔ-ĐHCT (20-30g/m3), phủ bạt nhựa để giữ ẩm. Tưới nước bổ sung hằng tuần để đủ ẩm, đảo đống ủ sau 3 tuần. Đống ủ hoai vô cơ còn được gọi là phân khoáng, thường có 2 loại:
+ Phân đơn: Là những loại phân khoáng chỉ chứa có một trong các nguyên tố dinh dưỡng như: đạm, lân, kali.
+ Phân hỗn hợp: Là các loại phân có chứa từ 2 chất dinh dưỡng trở lên. Để nâng cao chất lượng và hiệu lực của phân, ngoài các nguyên tố đa lượng NPK trong thành phần phân bón còn có các nguyên tố trung lượng (Mg, Ca, S…) và nguyên tố vi lượng (Cu, Zn, B, Mn…) trên cơ sở đặc thù của từng loại cây và tính chất đất ở mỗi vùng sinh thái khác nhau. Hiện chuyên dùng cho cây ăn quả theo từng giai đoạn rất thuận lợi cho người sản xuất.

Kỹ thuật bón phân: Tùy theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bưởi, việc bón phân có thể được chia ra các thời kỳ như sau :
Thời kỳ cây 1-3 năm tuổi: phân bón được chia làm nhiều đợt để bón cho bưởi. Nếu đã có bón lót phân lân hoặc DAP thì dùng phân Urea với liều lượng 10-20g hòa tan trong 10 lít nước để tưới cho một gốc bưởi (1-2 tháng/lần). Khi cây trên 1 năm tuổi, bón trực tiếp phân vào gốc.
Thời kỳ cây bưởi đã cho trái ổn định: có thể chia làm 5 lần bón như sau :
+ Sau thu hoạch: bón 25% đạm + 25% lân + 10-30 kg hữu cơ/gốc/năm.
+ Bốn tuần trước khi cây ra hoa: bón 25% đạm + 50% lân + 25% kali.
+ Sau khi đậu quả: bón 25% đạm + 25% lân + 25% kali.
+ Giai đoạn quả phát triển: bón 25% đạm + 25% kali.
+ Một tháng trước thu hoạch: bón 25% kali.
Nên bón bổ sung từ 0,5-1kg phân Ca(NO3)2/cây/năm vào các giai đoạn sau thu họach, trước khi trổ hoa và sau đậu trái. Có thể phun phân bón lá tối đa không quá 3 lần/vụ trái, mỗi lần cách nhau ít nhất 30 ngày. Không phun phân bón lá vào mùa mưa vì làm cây dễ nhiễm nấm bệnh như Loét, Mốc hồng, Đốm rong.
Liều lượng phân bón: Có thể sử dụng công thức phân bón chung sau:
 
Bảng 1: Liều lượng phân bón
Phân bón
Tuổi cây
Liều lượng tương đương (kg) Phân
hữu cơ
Urea Lân Kali Ca
(NO3)2
1-3 năm tuổi 0,15-0,4 0,3-0,6 0,1 5-10  
4-6 năm tuổi 0,5-0,6 0,8-1,2 0,3 0,5 10-20
7->10 tuổi 0,7-2,0 1,5-2,5 0,5-0,8 1 20-30
 

Bảng 2: So sánh các loại phân đơn với các loại phân tổng hợp
TT Loại phân (1kg) Qui về phân đơn (kg)
Urea(46%N) Super lân(18-20%P205) Kali
( 60%K2O)
1 DAP (18-46-0) 0,4 2,3-2,5 0
2 NPK (16-16-8) 0,35 0,8-0,9 0,13
3 NPK (20-20-15) 0,43 1,0-1,1 0,25
4 NPK (15-30-15) 0,33 1,5-1,6 0,25
5 N-P (20-20-0) 0,43 1,0-1,1 0
 
Phương pháp bón: Nên xới nhẹ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, bề rộng của rãnh khoảng 30-40cm, cho phân vào, lấp đất và tưới nước. Không cuốc quá sâu có thể gây đứt rễ. Cũng có thể kết hợp với bồi bùn, đắp gốc để bón phân hoặc dùng bừa răng cào lấp phân giúp hạn chế đứt rễ.

4. Tỉa cành và tạo tán:
Tạo tán: là việc làm cần thiết nhằm hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc từ đó phát triển tán lá cho cây.
Tỉa cành: sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:
+ Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10-15cm).
+ Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không thể mang quả
+ Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.
* Chú ý: phải khử trùng dụng cụ bằng cách hơ qua ngọn lửa hoặc cồn 70o khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh.
Kiểm soát chiều cao của tán cây: Khi cành bưởi cao trên 3-4m thì cắt bỏ nhằm khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để duy trì sức sống tốt của cây, đảm bảo sự cân bằng sinh trưởng và kết trái ở mức tối hảo.

5. Xử lý ra hoa 
Bưởi Da xanh không cần xử lý vẫn có thể ra hoa, tuy nhiên để cây ra hoa tập trung có thể xử lý ra hoa cho cây theo những cách như sau:
Xử lý ra hoa bằng cách tạo khô hạn: Bưởi cần thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để bưởi ra hoa đồng loạt. Tạo khô hạn vào tháng 12 đến tháng 01 dương lịch, thu hoạch quả vào tết Trung thu; hoặc tạo khô hạn ở tháng 3-4 dương lịch thu hoạch quả vào Tết Nguyên đán. Gặp lúc mưa nhiều thì có thể dùng tấm nylon đen che phủ chung quanh gốc cũng có thể tạo sự khô hạn để xử lý ra hoa. Muốn thu hoạch trái vào tháng 11-12 dương lịch, có thể thực hiện như sau: Sau thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, làm cỏ, quét vôi gốc, kế đến bón phân cho cây. Cây được bón phân lần 2 trước khi xử lý ra hoa. Đến đầu tháng 3 dương lịch ngưng tưới nước cho tới 20/3 dương lịch (20 ngày) thì tưới nước trở lại 2-3 lần/ngày và liên tục 3 ngày. Nếu cây ra tượt non, dùng các loại phân như:150g MKP (0-52-34) + 1g Progibb 10%/bình 8lít, hoặc 200-350g KNO3/bình 8lít phun lên cây để giúp lá non mau thành thục, kích thích ra hoa. Đến ngày thứ tư, tưới nước 1lần/ngày, 7-15 ngày sau khi tưới đợt đầu tiên cây sẽ ra hoa, lúc này ngày tưới ngày nghỉ, 10-15 ngày sau khi cây trổ hoa, hoa rụng cánh và đậu quả.
Xử lý ra hoa bằng cách lãi lá của cành mang trái: Phương pháp này có thể giúp ra hoa rãi vụ, nhưng chỉ có kết quả chủ yếu trên cây mới cho trái trong vài năm đầu, khi cây đã phát triển, cành mang quả nhiều, kỹ thuật trên ít hiệu quả.

6. Tỉa trái
Trên mỗi chùm trái chỉ nên giữ lại tối đa là 02 trái, tốt nhất là 01 trái. Các trái bưởi đậu trong thời gian cây còn nhỏ cũng cần được tỉa bỏ. Nên để trái thu hoạch khi tuổi cây tính từ lúc trồng phải được ít nhất là 36 tháng.

7. Neo trái 
Đến thời điểm thu hoạch mà giá bưởi hạ thì có thể neo trái trên cây từ 15-30 ngày để chờ xuất bán bằng cách phun lên cây các loại phân bón lá như: Retain, ProGibb…hoặc bón nhiều phân dạng đạm và tưới nước thường xuyên.
 
THU HOẠCH:
1. Thời điểm thu hoạch
Cây bưởi từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7-8 tháng, tùy theo mùa vụ, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng,… Khi trái chín, túi tinh dầu nở to, vỏ căng và chuyển màu, đáy trái hơi bằng và khi ấn thì mềm, trái nặng. Nên thu hoạch vào lúc trời mát, thao tác nhẹ tay. Tránh thu quả lúc nắng gắt, sẽ làm các tế bào tinh dầu căng dễ vỡ. Không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ.

2. Cách thu hoạch 
Dùng kéo cắt cả cuống quả, lau sạch cho vào giỏ chứa để nơi thoáng mát chờ phân loại, lau sạch vỏ quả và vận chuyển đến nơi bảo quản, tiêu thụ.

3. Xử lý sau thu hoạch
– Có thể phun 2,4D nồng độ 10-40ppm để ngăn ngừa sự khô và rụng cuống trái
– Phun Thiabendazole 40% pha loãng ở nồng độ 500 lần vào thời điểm 1-2 tuần trước khi thu hoạch, hoặc ngâm trong 3 phút ngay khi mới thu hoạch
– Phun Iminoctodine 25% pha loãng 2.000 lần vào lúc 4 ngày trước khi thu hoạch hoặc ngâm 3 phút ngay khi mới thu hoạch để giảm tỉ lệ trái hư.

4. Tồn trữ 
Sau khi thu hoạch hoặc xử lý hóa chất, giữ trái trong bóng râm vài ngày cho ráo trước khi cho vào túi tồn trữ. Túi nên dày khoảng 0,02-0,03mm, mỗi túi chỉ nên giữ 1 trái. Nếu tồn trữ trong thời gian lâu nên sử dụng màng bao PE thật mỏng quấn chung quanh.

Bài viết liên quan

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam Vinh

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam V2

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối nuôi cấy mô

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng xiêm xoài

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mít Thái Lan

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo Đài Loan

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na dai

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt

  • Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi diễn