Bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi

Hiện nay bệnh vàng lá thối rễ trên Cây Có Múi (Cam, Quýt, Chanh, Bưởi) là một vấn đề rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Tài liệu kỹ thuật để thảo luận trong nội bộ Công ty lần nầy, chúng tôi chỉ nêu lên những vấn đề ứng dụng cụ thể trong việc phòng trị, anh em tham khảo và trao đổi. Nội dung tài liệu sẽ tập trung vào phần nguyên nhân của bệnh vàng lá thối rễ kèm theo các biện pháp phòng trị trong đó có sử dụng sản phẩm phân bón Trí Việt để giúp vườn cây nhanh chóng phục hồi.

1.      Tác nhân gây bệnh:
Bệnh vàng lá thối rễ do nhiều loại nấm đất gây ra nhưng 3 loại nấm Fusarium Solani, Phythopthora palmivora và Pythium helicoides là quan trọng nhất vì chúng phá hủy vườn cây nặng nề.
 
2.      Những nguyên nhân gây ra bệnh :
Có sự tương tác chặt chẽ của nhiều yếu tố để tạo điều kiện cho bệnh phát triển, sau đây là vài nguyên nhân thường gặp nhất :
·        Sự tồn tại sẵn trong đất 1 hoặc cả 3 nòi nấm trên.
·        Rễ cây luôn hoạt động trong tình trạng yếm khí: Rễ luôn thiếu oxy cần cho sự sinh trưởng phát triển của cây, điều nầy thể hiện rõ nhất khi líp trong vườn thấp, mô trồng cũng thấp hoặc trong mùa mưa bão liên tục, việc thoát nước kém, tất cả tế khổng của đất luôn ở tình trạng bảo hòa nước nên rễ cây luôn hoạt động trong tình trạng thiếu oxy, các hợp chất hữu cơ độc hại trong rễ được hình thành,đầu chóp rễ và các lông hút bị hư thối. Sự cung cấp dưỡng chất bị trì trệ, cây suy yếu dần.
·        Vườn được lập trên đất nặng, nhiều sét, dẽ chặt, nhiều phèn…đã góp phần làm bộ rễ kém phát triển và bị hư hại.
·        Việc thường xuyên phun thuốc trừ cỏ, mặt đất bị phơi bày dưới ánh nắng mặt trời sẽ rất dễ đưa đến tình trạng đất bị “đóng váng” trong mùa mưa và nhiệt độ đất lên cao trong mùa nắng. Những điều nầy gây bất lợi cho bộ rễ cây và cũng là bất lợi cho sự phát triển của hệ vi sinh vật có ích.
·        Việc sử dụng thuần túy phân bón hóa học và nhất là sử dụng các loại phân bón lá có chứa nhóm auxin như NAA, NOA, 2,4D….đã góp phần làm bộ rễ nhanh chóng bị lão hóa.
·        Khi xử lý ra hoa nghịch vụ, buộc nhà vườn dùng các biện pháp làm cho cây suy để phân hóa mầm hoa, để cây ra hoa. Việc sử dụng các chất ức chế sinh trưởng như Thiore, Paclorbutrazole….đã làm sức khỏe của cây càng kém nếu không biết cách giúp cây phục hồi sung tốt trở lại.
·        Tổng hợp nhiều nguyên nhân có tính tương tác lẫn nhau, trong đó, nguyên nhân đất dẻ chặt, đất bị thiếu oxy , chóp rễ sẽ bị hư hại và là điều kiện hết sức thuận lợi cho các dòng nấm độc hại có sẵn trong đất tấn công vào chóp rễ non, hệ lông hút rồi đi dần vào rễ cái.

3.      Những biểu hiện dễ nhận biết :
·        Quan sát toàn vườn, nhận thấy vườn cây suy yếu, cành nhánh phát triển rất kém, lá vàng cục bộ từng khu vực trong vườn hoặc lá vàng trên từng cây, từng nhánh.
·        Lá trên cây bị vàng kể cả gân lá cũng bị vàng. Đặc tính nầy cho chúng ta phân biệt với trường hợp vàng lá greening thì các lá non, lá bánh tẻ bị vàng nhưng gân lá vẫn còn xanh.
·        Trên một cây, đôi khi vài nhánh của một bên cây bị vàng, nếu chúng ta bới đất để kiểm tra rễ ở khu vực hình chiếu tán cây, chúng ta sẽ thấy hầu hết rễ bị đen, thối, khi nhổ lên, vỏ rễ bị tuộc ra.
·        Trên những cây bị bệnh nặng, khi nhổ rễ để quan sát, chúng ta không thấy rễ tơ trắng mà toàn bộ rễ tơ và rễ cái đều bị đen, hư thối.
·        Cây bệnh nặng suy kiệt rất nhanh rồi chết, những cây còn lại có dấu hiệu kém phát triển, lá vàng từng phần, từng nhánh, thật sự tỉ lệ cây bị bệnh trong vườn cao hơn nhiều so với quan sát mà chúng ta nhận thấy. Thật ra, những điều kiện bất lợi cho cây và thuận lợi cho nấm đã tạo cơ hội cho nấm xâm nhiểm bộ rễ từ nhiều tháng trước, trước khi chúng ta thấy biểu hiện vàng lá.

4.      Vài biện pháp cấp bách để cứu vườn cây:
Đối với bệnh vàng lá thối rễ, biện pháp trị rất khó khăn, tốn kém và mất rất nhiều thời gian thì cây mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, trừ trường hợp cây bị bệnh quá nặng, khó có thể cứu chữa nỗi, các cây còn lại trong tình trạng bệnh nhẹ hơn, cây mới héo vàng hoặc chỉ một phần lá bị héo vàng, chúng ta có thể thực hiện các bước “bắt buộc” như sau:
·        Bước 1: Đánh rãnh để thoát nước, nói chung là tìm mọi cách để cho vườn được khô ráo.
·        Bước 2: Móc bỏ phần đất đã lấp cổ rễ, để cổ rễ nằm thoáng trên mặt đất.
·        Bước 3: Lấy lớp đất mặt cho bộ rễ được thoáng và rễ dễ dàng tiếp xúc khi xữ lý với thuốc hóa học.
·        Bước 4: Rãi vôi khắp khu vực rễ quanh gốc, liều lượng khoảng 0,3-0,6kg/gốc tùy mật độ trồng và cây lớn hay nhỏ.
·        Bước 5: Dùng hỗn hợp sau để tưới vào khu vực bộ rễ. Tùy cây lớn nhỏ mà tưới lượng thuốc hổn hợp tương ứng khoảng 3-10 lít dung dịch/gốc cây. Phối hợp thuốc hóa học để tưới gồm : Metalaxyl 25-35% = 3g + Hexaconazole 5% (Anvil) = 2ml/ 1 lít nước.
-         Nếu hỗn hợp nầy được bơm xuống phía dưới mặt đất thì càng tốt hơn.
-         Ngoài công thức phối hợp giửa Metalaxyl và Hexaconazole như trên, chúng ta có thể phối hợp 2 loại thuốc sau để tưới, gồm : Curzate M8 = 3g + Carbendazim = 2ml /1 lít nước.
(Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc trừ được nhóm nấm phythopthora sp, Pythium sp và nhóm nấm Fusarium sp….các anh chị có thể tham khảo thêm các cán bộ chuyên ngành, các đại lý giàu kiến thức và kinh nghiệm, riêng công thức phối hợp thuốc ở trên là chúng tôi đã trực tiếp thí nghiệm nhiều năm cộng thêm các tài liệu tham khảo từ các công trình nghiên cứu của Viện Cây Ăn Quả Miền Nam SOFRI).
-         Chú ý: Việc tưới rễ bằng hỗn hợp thuốc như trên được thực hiện ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
·        Bước 6: Ngay thời điểm tưới thuốc xuống bộ rễ, rất cần thiết phun Phân Bón Lá Nhóm Kích Kháng-Trí Việt (không chứa Đạm) như Trí Việt 5, Trí Việt 6 hoặc KK3. Ngoài việc cung cấp nhanh chóng các dưỡng chất thiết yếu qua đường lá vì bộ rễ đã bị hư hại rất nhiều, nhóm phân bón lá Kích Kháng Trí Việt còn giúp cây tăng khả năng kháng lại bệnh, tạo ra các thông tin di truyền mRNA (Messenger Ribonucleic Acid) khi cây bị stress do nấm bệnh tấn công. Đặc biệt, khi cây bị bệnh, cây rất cần năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể, phun phân bón lá nhóm Kích Kháng-Trí Việt (Trí Việt 5, Trí Việt 6, KK3 ) là đã cung cấp năng lượng ATP (Adenosine Triphosphate) rất cần thiết, giúp cho cây nhanh chóng phục hồi.
-         Nồng độ sử dụng = 1ml phân/ lít nước, liều lượng khoảng 1 lít phân/ha.
-         Việc phun phân trong điều kiện cây bị bệnh nên thực hiện 7-10 ngày/lần.
·        Bước 7: Sau lần tưới thuốc hóa học sau cùng khoảng 10 ngày (thông thường thuốc hóa học được tưới 3 lần liên tiếp), phải rãi hoặc tưới vi nấm đối kháng Trichoderma với nồng độ 3g/lít nước hoặc tốt hơn là rãi thẳng Trichoderma vào khu vực rễ quanh gốc với liều trung bình khoảng 10g/gốc. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều Cty sản xuất Trichoderma, tuy nhiên, kinh nghiệm chúng tôi thấy rằng, ở khu vực ĐBSCL & Miền Đông Nam Bộ nên sử dụng Trichoderma ĐHCT do Cty An Giang phân phối hoặc Trichoderma của SOFRI (Viện Cây Ăn Quả Miền Nam).
·        Bước 8 : 5-7 ngày sau khi rãi Trichoderma, rất cần tưới phân vào đất để cung cấp dưỡng chất cho cây, giúp bộ rễ nhanh chóng phục hồi. Tưới phân là một hình thức bón phân nhưng ở dạng lỏng, cây hấp thụ rất nhanh.
-         Phân dùng để tưới có thể dùng ZinCop-Trí Việt hoặc Vision-Trí Việt. Liều lượng trung bình khoảng 15 lít/ha.
-         Thực tiển ở nhiều vùng trồng cây có múi cho thấy, việc phun và tưới phân Trí Việt đã góp phần giúp vườn cây phục hồi nhanh chóng.
-         Có thể kết hợp phân NPK 16-16-16-8-13S hoặc NPK 15-15-15 hoặc NPK 20-20-15 với phân ZinCop hoặc Vision Trí Việt theo tỉ lệ 10 :1 ( 10kg NPK + 1 lít ZinCop hoặc Vision Trí Việt). Liều lượng tưới trung bình 15 kg NPK + 1,5 lít ZinCop hoặc Vision Trí Việt / công vườn (1.000m2)
-         Trên rất nhiều loại cây trồng như cam, quýt, chanh, bưởi, thanh long, mảng cầu….việc áp dụng công thức tưới phân như trên đã mang lại kết quả rất tốt.
-         Cũng như tưới phân, việc dùng thuốc hóa học để trừ bệnh vàng lá thối rễ, các anh chị có thể áp dụng công thức phối hợp nêu trên mặc dù trên từng cây trồng có thể có các nòi nấm khác nhau, như trên cây sầu riêng, bệnh vàng lá thối rễ chủ yếu là do nấm Pythium sp, trên cây hồ tiêu là do Phythopthora sp và Fusarium sp…..
 ·        Bước 9 : Phun thường xuyên phân bón lá Trí Việt ( Trí Việt 1, Trí Việt 9….), trung bình khoảng 15-20 ngày /lần để giúp vườn cây nhanh chóng phục hồi sau bệnh : cây ra rễ nhiều, lá xanh, dầy….

5.      Vài Biện Pháp Góp Phần Hạn Chế Bệnh Vàng Lá Thối Rễ :
Khi bệnh vàng lá thối rễ xãy ra, việc điều trị rất gian nan, tốn kém, mất thời gian và quan trọng nhất là sức khỏe vườn cây không được tốt.
Biện pháp hạn chế bệnh vàng lá thối rễ nên được hoạch định từ đầu.
·        Cây giống: Cây giống để trồng nên chọn cây giống tốt dù có mắc tiền. Ngoài việc loại trừ các bệnh hiểm nghèo như bệnh Vàng Lá greening, Tristeza….thì cây giống tốt sẽ giúp cây sinh trưởng tốt mạnh mẽ ngay sau khi đặt cây giống xuống trồng.
·        Chọn đất: Về phần hóa tính của đất, chúng ta có thể khắc phục phần nào, nhưng về lý tính của đất, việc cải tạo sẽ rất khó khăn, đất trồng cây có múi cần tơi xốp, nếu đất bị nén chặc, sẽ là tai họa cho vườn.
-         Vùng đất trủng thấp, nhiều phèn, nếu muốn trồng cây có múi cần phải có bao đê chắc chắn. Hệ thống kênh mương phải đảm bảo rằng việc tiêu nước trong mùa mưa lũ được dễ dàng.
·        Lên líp, lên mô :
-         Vùng ĐBSCL, do địa hình trủng thấp, việc trồng cây có múi phải được lên líp và cả lên mô. Tỉ lệ đất lên líp để trồng cây có thể là 60-70%. Thậm chí nhiều vùng quá thấp, hệ số sử dụng đất chỉ khoảng 50%.
-         Mặc dù đã lên líp, nhưng tất cả các cây được trồng phải được trồng trên mô. Do tập quán nông dân ĐBSCL nhất là vùng Tà Vinh,Vĩnh Long, Hậu Giang trồng cây với mật độ rất dầy ( số cây cam sành/ha khoảng 3.000 – 3.300 cây) nên mô trồng nên có kích thước khoảng 40 x 40 x 30 cm.
-         Ở Miền Đông, dù địa hình cao, nhưng “tuyệt đối” không được đào hố để trồng cây dưới hố. Cây cũng phải được trồng trên mô. Do đất Miền Đông không phải lên líp, nên mô có kích thước trung bình 60 x 60 x 30 cm.
-         Đừng bao giờ ngại việc trồng cây trên mô cao sẽ đưa đến việc thiếu nước trong mùa nắng vì thật ra cây hút nước ở phần rễ đã ăn xa ra ngoài tán là chủ yếu.
-         Không chỉ cây có múi mà còn trên nhiều loại cây trồng khác như nhãn, sầu riêng và nhất là hồ tiêu, việc đào hố sâu rồi trồng cây dưới hố đã góp phần rất lớn vào việc phá hủy vườn cây. Ngày nào, các vườn tiêu còn trồng sâu dưới hố, ngày ấy vườn tiêu còn bị chết dài dài.
-         Việc làm rãnh để thoát nước, tránh vườn bị ngập úng là điều kiện tiên quyết, là điều bắt buộc  nếu muốn vườn cây không bị vàng lá thối rễ. Thường thì trên một líp, nếu trồng 3 hàng mà không có rãnh thoát nước, hàng chính giửa, cây sẽ phát triển kém nhất và bệnh vàng lá thối rễ xãy ra nhiều nhất.
·        Mực thủy cấp: Ở vùng ĐBSCL do cao độ thấp, nên việc trồng cây có múi phải lên líp. Nhà vườn chú ý giử mực nước cao nhất so với mặt líp tối thiểu phải 60cm. Cố gắng giử ổn định mực nước nầy trong vườn dù mùa nắng hay mùa mưa.
·        Cuốc xới và phơi đất: Cây sẽ phát triển tốt nếu bộ rễ có được nhiều Oxy để thở, cuốc xới đất, phá vỡ kết cấu đất nén chặc là góp phần chống lại bệnh vàng lá thối rễ.
·        Bón vôi: Không chỉ trên cây có múi mà trên rất nhiều loại cây trồng khác ở vùng nhiệt đới nhất là loại đất có chứa nhiều Fe,Al, việc bón vôi là chìa khóa trong canh tác thành công. Bón vôi không chỉ để nâng cao phần nào pH trên đất phèn mà bón vôi còn giúp cây trồng hấp thu nhiều dưỡng chất thiết yếu khác cũng như trung hòa acid trong dịch bào rễ cây. Bón vôi để khử trùng đất, làm giảm bớt áp lực các loại nấm và vi khuẩn độc hại trong đất. Tuy nhiên, không cần nhiều vôi, hàng tấn/ha vì bón quá nhiều vôi dễ đưa đến tình trạng thiếu vài nguyên tố vi lượng thiết yếu như Cu, B….Lượng vôi nên bón khoảng 300-500 kg/ha và có thể bón làm 2 lần/năm.
·        Bón hữu cơ: Việc sử dụng nhiều hữu cơ có ý nghĩa cực trọng đến sự sinh trưởng,phát triển và tính bền vững của vườn cây có múi. Sử dụng phân trâu, bò, heo, gà….đều rất tốt với điều kiện phải ủ ít nhất 10 tuần cho phân hoai mục. Nên ủ nóng phân chuồng và sau đó khoảng 5-6 tuần hãy đưa nấm Trichoderma vào và khoảng 3-4 tuần sau đó đem sử dụng cho vườn cây có múi là một trong những cách chống lại bệnh vàng lá thối rễ rất tốt. Rơm rạ, xác bả thực vật nói chung đều rất quý giá. Hãy tận dụng tối đa các thành phần nầy. Tuy nhiên, cần chú ý một điều, càng sử dụng nhiều hữu cơ, cần phải cung cấp cho đất,cho cây chất kẻm.
·        Sử dụng vi nấm đối kháng Trichoderma: Nếu chỉ sử dụng thuốc hóa học để trừ nấm bệnh, khả năng tái nhiểm từ nguồn nấm bệnh bên ngoài vào khu vực gốc,rễ sẽ rất cao. Dùng Trichoderma là giải pháp khắc phục tình trạng nầy. Trichoderma không phải là thần dược nhưng trichoderma sẽ giúp vườn cây phòng ngừa hầu hết các nấm bệnh nguy hiểm như Fusarium, Phythopthora, Pythium, Sclerotium, Rhizoctonia…..Vào mùa mưa mỗi năm, nên rãi hoặc phun trichoderma khoảng 4 lần. Đây cũng là cách căn bản để phòng chống bệnh vàng lá thối rễ.
·        Trồng cỏ trong vườn: Đây không phải là việc gì mới, các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Ở VN, khu vưc trồng quýt đường & quýt hồng của huyện Lai Vung-Đồng Tháp, nhà vườn cũng đã trồng rau trai từ rất nhiều năm qua để chống lại bệnh vàng lá thối rễ. Dĩ nhiên việc trồng cỏ trong vườn sẽ có sự cạnh tranh về phân bón, nhưng thiệt hại đó rất nhỏ vì khi cắt cỏ là chúng ta đã trả lại phân bón dưới nhiều dạng cho đất. Điều quan trọng hơn là nhờ có cỏ trong vườn,bộ rễ cây sẽ có được lượng oxy trong đất dồi dào hơn,ẩm độ và nhiệt độ đất điều hòa sẽ giúp duy trì hệ vi sinh vật có ích được tồn tại và phát triển để chống lại nấm bệnh đồng thời đất không bị lèn mặt,đóng váng trong mùa mưa.

Bài viết liên quan

  • Bệnh chổi rồng trên cây nhãn và những điều cần lưu ý

  • BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỌ TRĨ HẠI SẦU RIÊNG

  • Cách giám định nhanh và xử lý bệnh vàng lá gân xanh trên cây bưởi da xanh

  • Cách phòng trị ruồi vàng hại bưởi

  • Khắc phục hiện tượng nứt quả trên cây có múi

  • Kỹ thuật phòng trừ sâu đục cuống quả vải

  • PHÒNG TRỪ BỆNH HÉO XANH VI KHUẨN TRÊN CÂY HỌ CÀ VÀ HỌ BẦU BÍ

  • PHÒNG TRỪ BỆNH LOÉT TRÊN CÂY CÓ MÚI TRONG MÙA MƯA

  • PHÒNG TRỪ NHỆN HẠI TRÊN CÂY CÓ MÚI

  • Phòng trừ sâu hại trên cây bưởi